Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

Tại sao phải cân bằng cuộc sống và công việc?

Giữa nhịp sống đầy hối hả và bận rộn của thế kỷ XXI, bạn lăn xả vào công việc mà đôi khi quên dành một chút thời gian cho gia đình, bạn bè và những thú vui của chính bản thân mình. Và đến khi cái chết cận kề mới kịp hiểu rằng mình đã không biết cách cân bằng cuộc sống sao cho có ý nghĩa.

Tại sao phải cân bằng cuộc sống với công việc


Toàn bộ cuộc đời bạn đã tiêu tốn cho những mục đích và lý tưởng mà bạn cho là cao cả. Có lẽ Henry David Thoreau đã rất đúng khi cho rằng: “Điều khiến con người khiếp sợ nhất là khi đứng trước cái chết lại cảm thấy mình không còn cơ hội để được sống và sống có ý nghĩa nữa”.

Nếu đang ở cương vị quản lý, có phải bạn đang hăng say lao vào công việc, vượt lên trên những thử thách, có khi một ngày 24 giờ cũng không đủ cho bạn làm việc. Hết thời gian ở cơ quan, về nhà bạn lại tiếp tục biến ngôi nhà của mình thành một góc của văn phòng để theo đuổi mục đích kiếm ra thật nhiều tiền.

Ý nghĩ ám ảnh trong đầu bạn suốt ngày là làm sao để tài khoản ở ngân hàng lúc nào cũng đầy tiền. Vậy thì chắc chắn sẽ có một buổi sáng đẹp trời, bạn đứng ở cửa sổ phòng làm việc, nhìn qua khung cửa và bỗng nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để nhận được những món quà vô giá mà cuộc sống trao tặng. Đó là vẻ đẹp huy hoàng và rực rỡ của ánh bình minh, hay những nụ cười của con trẻ.

Khi đó, bạn sẽ tự hỏi: “không biết bao lâu nay niềm vui trong cuộc sống của ta là gì nhỉ?”, và trái tim sẽ cảm thấy nhói đau vì những câu hỏi không ngừng xâm chiếm đầu óc: “Tại sao mình lại không dự những buổi hòa nhạc ấy nhỉ?”; “Tại sao mình đã không đi cùng gia đình trong kỳ nghỉ hè ấy nhỉ?”; “Tại sao mình lại đánh mất cái khoảnh khắc huyền ảo ấy nhỉ?”...

Đó chính là mặt trái của thành công. Bất cứ ai trong chúng ta cũng đều muốn có thành công tột đỉnh mà lại vẫn được sống thảnh thơi, không chút căng thẳng. Nhưng đây là một điều không thực tế. Chắc chắn sự luyến tiếc đối với cuộc sống sẽ được an ủi phần nào khi bạn đạt được thành quả lớn từ những mục tiêu mà mình theo đuổi. Không biết có ai trong số các bạn đã từng đọc cuốn sách “Thầy tu, người đã bán linh hồn của mình” sẽ thấy một điều là nếu cuộc sống mà không có mục tiêu để theo đuổi và sự thành công trong nghề nghiệp sẽ là một cuộc sống không hoàn chỉnh.

Chắc hẳn bạn cũng giống như mọi người, đều có khát vọng cháy bỏng là làm được một điều gì đó vĩ đại thông qua những công việc mà bạn đang làm và tỏa sáng trong nghề nghiệp mà bạn đã lựa chọn. Tuy nhiên, bạn đừng để mình rơi vào trạng thái không thỏa mãn với sự thành công, dù là nhỏ nhặt nhất. Bởi vì như thế khát vọng của bạn sẽ như một chiếc thùng không đáy, cứ rơi vào và lọt thỏm mà không có điểm dừng.

Hãy học cách hân hoan, vui mừng với những thành quả đạt được và tạo ra sự cân bằng giữa công việc, gia đình, bạn bè và những thú vui đời thường của bản thân. Nếu như bạn không cân bằng được những giá trị cốt lõi của đời sống, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy mình hạnh phúc và thực sự sống. Gandhi đã từng nói: “Con người đừng để rơi vào tình trạng: không thể làm tốt một lĩnh vực trong cuộc sống, nhưng lại mất quá nhiều thời gian để làm sai trong một lĩnh vực khác.